Rượu nếp cái, có nơi còn gọi là cơm rượu, là một loại đồ uống/đồ ăn có cồn không qua chưng cất, được chế biến từ gạo nếp theo cách dùng gạo nếp đồ chín thành xôi, để nguội và ủ với men rượu cho lên men thành rượu.
Gạo nếp: có thể dùng nếp cẩm, nếp cái hoa vàng, tốt nhất là sử dụng gạo nếp lứt có hạt màu nâu vàng, chưa xát hết cám gạo.
Men rượu: được làm từ nhiều loại thảo dược có đặc tính cay, nóng, nắm thành từng bánh nhỏ và ủ cho đến khi nở phồng, chuyển hóa thành một dạng nấm. Tùy nghệ nhân làm với những bí quyết riêng mà men rượu được làm từ các loại nguyên liệu khác nhau (thường có riềng, rễ cam thảo, lá ổi xanh, thuốc Bắc v.v. giã nhỏ trộn với bột gạo và vỏ trấu). Rượu nếp cái sử dụng men ngọt, loại men khác với men đắng dùng cho rượu chưng cất. Tỷ lệ men và gạo thường có sự thay đổi tùy theo trọng lượng của mỗi quả men (quả men lớn có thể chỉ cần 2-2,5 quả/kg gạo, men nhỏ thì 6-8 quả/kg gạo, trung bình là 50g men/1kg gạo); đặc tính men (tùy người làm men mà chất lượng men có khác nhau); thời tiết (trời lạnh dùng nhiều men hơn); loại gạo (gạo trắng dùng ít men hơn gạo lứt); xôi mềm hay cứng; ý đồ ủ rượu (ủ rượu để ăn rượu nếp cái dùng ít men hơn ủ để lấy rượu nếp cái đem ngâm). Men là thành phần quan trọng tác động đến hương vị và chất lượng của rượu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét